SOẠN VĂN 8 - BỘ SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO || “NHỚ ĐỒNG" - TỐ HỮU

Ngày 25/08/2023 16:01:00, lượt xem: 1897

BÀI 1:

THƠ SÁU CHỮ, THƠ BẢY CHỮ

Văn bản 2:

NHỚ ĐỒNG

(Tố Hữu)

 

I. TRONG KHI ĐỌC

Câu 1. Xác định cảm xúc của tác giả ở khổ thơ này. Dựa vào đâu em xác định như vậy?

- Khổ thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, nhớ cuộc sống tự do, yêu quê hương đất nước và say mê cách mạng của nhân vật trữ tình. Tác giả đã sử dụng điệp từ “đâu” để nhắc nhớ tới những hình ảnh quen thuộc của quê hương

 

Câu 2. Việc lặp lại hai dòng thơ này có tác dụng gì?

- Việc lặp lại hai dòng thơ giúp tạo ra tính sáng tạo cho văn bản, tăng sức biểu cảm, nhấn mạnh cảm xúc nhớ nhung da diết của tác giả mà không làm đứt mạch cảm xúc của bài thơ

 

II. SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Xác định thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp trong khổ thơ thứ hai.

- Thể thơ bảy chữ

- Cách gieo vần trong khổ thơ thứ hai: câu thơ thứ nhất, thứ hai và thứ tư có cùng vần ui

- Ngắt nhịp 4/3 ở các câu thơ 

 

Câu 2. Tìm những câu thơ, những từ ngữ được lặp đi lặp lại trong bài thơ và nêu tác dụng của việc sử dụng các cách diễn đạt đó.

- Tác giả sử dụng khá nhiều phép lặp từ trong bài thơ. 

+ Cụ thể là hai câu thơ “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ”,” Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh”.

    => Hai điệp khúc đã tạo nên một nỗi ám ảnh lớn trong tâm trí độc giả. Câu thơ gợi lên nỗi nhớ thương thiết tha, da diết cùng sự cô đơn tự sâu thẳm đáy lòng của nhà thơ. Nỗi nhớ thương ấy được so sánh bằng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Gì sâu bằng…trưa thương nhớ/ trưa hiu quạnh. 

+ Điệp từ “đâu”. 

     => Điệp từ “đâu” được lặp lại liên tục ở các khổ thơ là hiện thân nỗi nhớ mênh mông của tác giả. Nó khơi gợi dòng hồi tưởng ký ức nhớ thương về tất cả những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Với đôi chân đã bị cùm, đôi mắt đã bị giam bởi bốn bức tường tại nhà lao, tác giả chỉ còn có thể nghe và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của chính mình. 

     => Có thể thấy, việc sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật trên đã cho thấy được tài năng cùng cảm nhận sâu sắc của tác giả trong hoàn cảnh tù đày.

 

Câu 3. Nhận xét về cách sắp xếp các phần trong bố cục của bài thơ. Từ đó, xác định sự vận động của mạch cảm xúc được tác giả thể hiện trong bài thơ.

- Cách sắp xếp các phần trong bố cục bài thơ:

+ Phần 1: bao gồm 9 khổ thơ đầu: Là nỗi nhớ của người cộng sản với cuộc sống bên ngoài nhà từ

+ Phần 2: 2 khổ tiếp: Nhà thơ nhớ về chính bản thân mình trong những ngày tháng chưa bị giam cầm chốn tù lao 

+ Phần 3: còn lại: Trở về với thực tại, trong căn phòng giam ngột ngạt 

- Cả 3 phần của bài thơ đi từ khao khát tới thực tại, mạch cảm xúc của tác giả cùng từ đó mà được trải dài từ nỗi nhớ quê nhà đến nỗi nhớ ngày tháng tự do rồi trở về với thực tại phũ phàng. 

+ Bài thơ là mạch cảm xúc trôi chảy của tác giả. Sự bức bối, cô đơn của tác giả trong căn phòng giam bắt gặp tiếng hò quê hương tha thiết. 

+ Đây chính là nguyên nhân khơi nguồn biết cao cảm xúc nhớ thương của tác giả về quê hương, đồng bào. 

+ Để rồi từ đó gợi lên trong lòng tác giả khao khát mãnh liệt về tự do, khao khát hành động, khao khát thực hiện lí tưởng đem về độc lập cho dân tộc, sự ấm no cho quê hương, đất nước. Mạch cảm xúc ấy trôi chảy vừa tự nhiên mà cũng đầy logic.

 

ĐỌC THÊM: SOẠN VĂN 8 - BỘ SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO || “TRONG LỜI MẸ HÁT” - TRƯƠNG NAM HƯƠNG

 

Câu 4. Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?

- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ chính là tiếng lòng da diết với đời, với cuộc sống tự do và niềm say mê cống hiến cho cách mạng, cho đất nước của nhân vật trữ tình. Dựa trên những cảm hứng từ tiếng hò quê hương tha thiết của nhà thơ cùng việc sử dụng nhiều phép lặp, từ ngữ, hình ảnh và giọng điệu dạt dào cảm xúc gợi nên nỗi nhớ quê hương thiết tha. Đồng thời qua đó thể hiện niềm say mê lý tưởng cao đẹp và khát vọng tự do của tác giả.

 

Câu 5. Xác định chủ đề của bài thơ. Chủ đề đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật nào?

- Chủ đề của bài thơ là niềm khát vọng tự do, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đời của nhân vật trữ tình. Chủ đề đã được thể hiện qua: 

+ Việc sử dụng thành công các biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc

+ Giọng thơ da diết, khắc khoải và đầy sâu lắng 

+ Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị và mộc mạc, rất đỗi đời thường

 

Câu 6. Theo em, tác giả muốn gửi thông điệp gì tới người đọc qua bài thơ này?

- Theo em, thông qua bài thơ, tác giả muốn gửi gắm nỗi nhớ đồng quê, con người và chính bản thân tác giả. Đó là biểu hiện của tình yêu da diết với cuộc sống tự do bên ngoài nhà tù, khao khát tự do và bao trùm hơn cả là tình yêu nước. 

 

Câu 7. Viết khoảng năm câu hoặc vẽ bức tranh thể hiện sự tưởng tượng của em về cảnh sắc, con người được gọi tả trong Nhớ đồng. Những hình ảnh tưởng tượng đó có tác dụng thể nào đối với việc hiểu nội dung bài thơ?

Hình ảnh đồng quê hiện lên đầy chân thực trong dòng hồi tưởng ký ức của nhà thơ. Đó là cảnh sắc của đồng ruộng với những cồn thơm, ô mạ xanh rờn, nương khoai sắn ngọt bùi, xóm làng chìm lặng và những con đường mòn mỏi theo thời gian. Tất cả cảnh sắc đó đều là những hình ảnh đơn sơ, rất quen thuộc và thân thương. Hiện lên ở đó là bóng dáng của những người lao động lam lũ, nhọc nhằn. Và sâu sắc hơn cả là bóng dáng người mẹ già đơn chiếc đại diện cho kiếp người gắn bó muôn đời với đất đai, với nắng với trời. Làng quê hiện lên trong ký ức với hương của đất, của bóng mát lũy tre làng, sắc xanh nao lòng của mùa mạ và vị ngọt bùi khoai sắn. Tất cả gợi lên một cảm giác thật sự bình yên và đáng trân quý. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan